Giai đoạn 2011 - 2015, GDP Quảng Ngãi tăng bình quân 7,9%/năm (6 tháng đầu năm 2016 tăng 4,4%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; GDP bình quân đầu người đạt gần 2.500 USD. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 4,2 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng gần 17%/năm; khách du lịch tăng 12,7%/năm; giải quyết việc làm mới gần 37 nghìn lao động/năm; hộ nghèo giảm 3,23%/năm.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được Quảng Ngãi triển khai tích cực, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 9,4/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư; 85% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công được quan tâm; huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, trong 5 năm Quảng Ngãi đã xây dựng mới và sửa chữa gần 7.400 ngôi nhà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc chưa tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế từ Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, liên kết vùng và kinh tế biển, đảo...; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra. Số huyện nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở miền núi giảm chậm, thiếu bền vững. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng núi và vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở cả đô thị và nông thôn, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa phương, nhất là từ các khu công nghiệp, cảng biển, đường cao tốc.... Tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và sản phẩm chủ lực; phát triển đội tàu cá, góp phần thực hiện Chiến lược Biển. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng du lịch.
Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân nông thôn, miền núi và hải đảo; thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, thích ứng với kinh tế thị trường; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo; Tập trung thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo ở các huyện khó khăn miền núi, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.
Minh Hiển