Mục tiêu của Kế hoạch nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong tống đạt giấy tờ của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra các giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao nhận thức về Công ước; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về tống đạt giấy tờ; bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ thành viên Công ước của Việt Nam.
Trong đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tống đạt giấy tờ theo Công ước; đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ủy thác tư pháp; xây dựng, phát triển tài liệu hướng dẫn chuyên sâu thực thi Công ước; hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước...
Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực kể từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, Công ước Tống đạt có 71 quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau.
Mục tiêu của Công ước là: Xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo được rằng người nhận được thông báo có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
Phương Nhi